TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa
Viện Nghiên cứu Thanh niên
VNCTN – Thanh niên là một bộ phận quan trọng trong dân số của bất kỳ quốc gia nào. Để thanh niên phát triển thuận lợi và có hiệu quả, các chính sách phát triển thanh niên dựa trên những bằng chứng rõ ràng là điều cần thiết và do vậy Chỉ số Phát triển Thanh niên (Youth Development Index – YDI) trở thành yếu tố quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách và chương trình liên quan đến phát triển thanh niên ở cả cấp độ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước thành viên ASEAN (AMS).
Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia thành viên ASEAN và Ban thư ký ASEAN đánh giá hiệu quả của các chính sách và chương trình liên quan đến thanh niên trong ASEAN. Sáng kiến về chỉ số phát triển thanh niên ASEAN cũng giúp cho việc định hình, nhận diện về thanh niên ASEAN và xác định các lĩnh vực cụ thể cần được quan tâm đầu tư và phát triển hơn nữa cho sự phát triển thanh niên.
Nằm trong hệ thống các tài liệu liên quan đến chỉ số phát triển thanh niên như: chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu, chỉ số phát triển thanh niên quốc gia và khu vực thịnh vượng, chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện các chỉ số phát triển thanh niên gắn với đặc thù của riêng khu vực ASEAN.
1. Bối cảnh ra đời
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8 tháng 8 năm 1967 với 10 quốc gia thành viên trong đó có Việt nam. Kể từ những năm đầu thành lập ASEAN, các Nhà lãnh đạo của ASEAN luôn dự báo trước tầm quan trọng của thanh niên trong chương trình nghị sự của ASEAN.
Sau khi hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào ngày 1 tháng 1 năm 2016, ASEAN bắt đầu một chương hợp tác khác và đưa ra Tầm nhìn ASEAN 2025: Hướng đến rèn luyện cùng nhau. Tầm nhìn ASEAN 2025 bao gồm ba bản thiết kế chi tiết: an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội, tất cả đều tập trung mạnh vào phát triển thanh niên. Để hỗ trợ cho điều này, Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về thanh niên (SOMY) đã xây dựng Kế hoạch hoạt động của ASEAN về thanh niên 2016-2020 và ưu tiên phát triển Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN.
Với mục tiêu cung cấp thông tin về tình hình phát triển của cộng đồng thanh niên ASEAN và thiết lập cơ sở dữ liệu vững chắc nhằm hoạch định chính sách phát triển thanh niên, ASEAN đã xây dựng Dự án Chỉ số Phát triển thanh niên ASEAN trên 5 lĩnh vực: giáo dục; sức khỏe và phúc lợi; việc làm và cơ hội; sự tham gia của thanh niên; nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN.
Giai đoạn 1 của Dự án được Ban Thư ký ASEAN phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hoàn thành năm 2016 với 4 chỉ số đầu. Trong giai đoạn 2, Dự án tập trung vào chỉ số thứ 5: Nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN, hoàn thành trong năm 2021. Trong cả 2 giai đoạn, Ban Thư ký ASEAN đều thành lập Nhóm công tác, bao gồm đại diện đầu mối phụ trách thanh niên các nước (SOMY) với tư cách là nhóm cố vấn, cho ý kiến vào cách thức, nội dung triển khai Dự án và Nhóm dự án, bao gồm nhiều chuyên gia thực hiện trực tiếp và độc lập việc lấy thông tin khảo sát từ thanh niên các nước ASEAN.
2. Một số thông tin cơ bản về Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN
Về mặt dữ liệu xây dựng Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN
Nhìn chung, dữ liệu được đưa ra ở các Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN được lấy từ các nguồn dữ liệu quốc tế đáng tin cậy. Nguồn dữ liệu từ quốc gia và từ các nguồn còn đang gây tranh cãi cũng được sử dụng khi thông tin bị thiếu hụt.
Báo cáo đầu tiên về Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN 2016 đưa ra một cái nhìn tổng quan khởi đầu về sự phát triển của giới trẻ trong khu vực. Việc phát triển các dữ liệu có chất lượng về Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN cần được nỗ lực thực hiện hơn nữa, các chỉ số này sẽ phải phản ánh được tình hình thanh niên cũng như xây dựng được các chính sách công dựa trên bằng chứng thực nghiệm nhằm hoàn thiện và thực thi phát triển thanh niên ở cấp độ khu vực và cấp độ các quốc gia thành viên ASEAN (AMS).
Về khái niệm Thanh niên sử dụng trong Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN
Việc chấp nhận một định nghĩa chuẩn hóa về Thanh niên rất phức tạp vì không có định nghĩa nào được công nhận trên toàn cầu (Báo cáo Chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu, 2016). Sự phức tạp xuất phát từ các khía cạnh và các vấn đề khác nhau liên quan đến các giai đoạn chuyển tiếp của thanh niên từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành.
Định nghĩa của Liên Hợp Quốc xác định Thanh niên là những người trong độ tuổi 15-24 tuổi.
Định nghĩa của Chỉ số Phát triển Thanh niên Toàn cầu Khối thịnh vượng chung là: Thanh niên được xác định trong độ tuổi 15-29.
Với các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), độ tuổi Thanh niên được quy định trong luật và các điều luật do mỗi quốc gia quy định. Nhìn chung, các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) đã có sự thống nhất về độ tuổi thanh niên được sử dụng trong Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN là trong khoảng từ 15 đến 35 tuổi.
Về các Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN
Có 05 lĩnh vực và các chỉ số tương ứng được xác định là quan trọng đối với Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN, đó là: (1) Giáo dục; (2) Sức khỏe và hạnh phúc; (3) Việc làm và cơ hội; (4) Sự tham gia; và (5) Nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN.
Trong 5 lĩnh vực trên, 4 lĩnh vực đầu tiên với các chỉ số liên quan được đề cập trong báo cáo đầu tiên về chỉ số phát triển thanh niên ASEAN 2016. Lĩnh vực còn lại về Nhận thức, Giá trị và Bản sắc ASEAN được đưa vào các báo cáo về chỉ số phát triển thanh niên ASEAN lần 2 năm 2021.
3. Giới thiệu các Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN trên các lĩnh vực
Lĩnh vực 1: Giáo dục
Nhìn chung, trọng tâm của giáo dục quốc tế thường thiên về lợi ích dành cho cả cá nhân và xã hội khi được tiếp cận giáo dục có chất lượng. Điều này được thể hiện qua Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người, các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự giáo dục 2030.
Sự đa dạng của các cách đo lường giáo dục đã dẫn đến một loạt các chỉ số khác nhau được sử dụng trong các đánh giá chính sách và các chỉ số phát triển thanh niên khác nhau. Một số cách đo phổ biến là:
- Tỷ lệ biết chữ, đo lường tỷ lệ biết chữ cơ bản của dân số
- Số lượng gia nhập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và đại học, thường được sử dụng là cách đo đại diện cho việc tiếp cận giáo dục
- Tỷ lệ tốt nghiệp từ tất cả các cấp giáo dục
- Chi tiêu chính phủ cho giáo dục
- Tuyển sinh và tốt nghiệp đào tạo nghề
- Cơ hội giáo dục thứ hai (người lớn trở lại hoàn thành giáo dục tiểu học và trung học).
Trong Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN lần đầu tiên này, có nhiều cuộc thảo luận đề cập tới việc học không chính thức và tầm quan trọng của nó. Dù vậy, các số liệu sẵn có về chỉ số giáo dục không chính thức lại không có, song trong tương lai có thể làm được điều này. Lần này, các chỉ số được quyết định đưa ra là:
Bảng 1. Các Chỉ số lĩnh vực Giáo dục, mô tả và nguồn
Lĩnh vực 2: Sức khỏe và Hạnh phúc
Cả Tổ chức Y tế Thế giới và các Mục tiêu Phát triển Bền vững đều cho rằng, việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe chất lượng cũng như quyền được chăm sóc sức khỏe tinh thần tiếp tục có tầm quan trọng hàng đầu trên thế giới.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở thanh niên thấp hơn so với các lứa tuổi khác, nhưng thanh niên có nhiều khả năng mắc các hành vi nguy cơ hơn so với các nhóm tuổi khác, gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe trước mắt và lâu dài của họ. Điều này khiến cho việc đo lường sức khỏe của thanh niên là cần thiết cả từ việc can thiệp cho tới việc lập kế hoạch y tế dài hạn. Một số nguy cơ đối với sức khỏe bao gồm:
- Tai nạn giao thông đường bộ
- Bạo lực (cả nạn nhân và thủ phạm)
- Tự tử
- Bệnh truyền nhiễm
- Rối loạn thuộc về người mẹ
- Thiếu chất dinh dưỡng
- Lạm dụng rượu và ma túy
Một số nguy cơ này có thể được hạn chế thông qua các chính sách dựa trên bằng chứng hướng đến các hành vi nguy cơ và cung cấp các lựa chọn thay thế an toàn. Các chỉ số thuộc lĩnh vực Sức khỏe và Hạnh phúc đã được đưa vào Chỉ số Phát triển Thanh niên bao gồm:
Bảng 2. Các Chỉ số lĩnh vực Sức khỏe và Hạnh phúc, mô tả và nguồn
Lĩnh vực 3: Việc làm và cơ hội
Quyền làm việc và tự do lựa chọn việc làm được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người và các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nó cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh của một quốc gia.
Thanh niên có những hạn chế ngày càng gia tăng trong thị trường lao động như:
- Thiếu kinh nghiệm và/hoặc mạng lưới chuyên nghiệp
- Thiếu tài khoản ngân hàng
- Mức độ đảm bảo công việc hạn chế, thiếu cơ hội nâng cao kỹ năng
- Thiếu khả năng tiếp cận tín dụng khi nỗ lực khởi nghiệp
- Nguy cơ cao bị lạm dụng
Mặc dù Chỉ số Phát triển Thanh niên không tính đến các chỉ số về tinh thần khởi nghiệp nhưng nó lại được coi là vấn đề ưu tiên lớn trong khu vực. Các Chỉ số trong lĩnh vực Việc làm và cơ hội được tính đến trong Chỉ số Phát triển Thanh niên bao gồm:
Bảng 3. Các Chỉ số lĩnh vực Việc làm và cơ hội, mô tả và nguồn
Lĩnh vực 4: Sự tham gia
Được trao quyền để tham gia các hoạt động chính trị và xã hội sẽ làm hoàn thiện hơn cuộc sống của giới trẻ và xã hội có thể được hưởng lợi qua những ý tưởng sáng tạo từ tiếng nói của giới trẻ. Lĩnh vực này đo lường mức độ thanh niên tương tác tích cực với cộng đồng của họ và các chỉ số được đưa ra là:
Bảng 4. Các Chỉ số lĩnh vực về Sự tham gia, mô tả và nguồn
Lĩnh vực 5: Nhận thức, Giá trị và Bản sắc ASEAN
Một cuộc khảo sát rộng rãi đã được tiến hành lấy ý kiến của hơn 2000 sinh viên tại 10 cơ sở giáo dục đại học tại 10 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Cam pu chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Sinh viên tại các trường đại học cấp vùng ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đã được khảo sát, nhằm đảm bảo một không gian mẫu đủ lớn và đa dạng với kết quả thống kê mang nhiều tính đại diện nhất có thể.
Kết quả của cuộc khảo sát đã chỉ rõ: thanh niên ASEAN về cơ bản có nhận thức về ASEAN, chia sẻ các giá trị của ASEAN, và suy nghĩ tích cực về Bản sắc ASEAN. Những vấn đề thu hút được nhiều mối quan tâm của thanh niên ASEAN là xóa đói-giảm nghèo, sức khỏe và kiểm soát bệnh tật, và du học thông qua các chương trình giao lưu- trao đổi giáo dục. Về ba trụ cột của khu vực, thanh niên ASEAN đặt ưu tiên cho trụ cột Kinh tế, tiếp đến mới là Văn hóa-Xã hội, và Chính trị- An ninh chỉ đứng sau cùng. Kết quả khảo sát này cho thấy thanh niên có được thông tin và hiểu biết về ASEAN thông qua hệ thống trường công, hệ thống truyền thanh-truyền hình-truyền thông quốc gia, mạng internet, và mạng xã hội. Các đối tượng trả lời khảo sát cũng gợi ý về sự cần thiết của một bản chỉ dẫn (sổ tay) nhằm giới thiệu về ASEAN và truyền tải các thông điệp cốt lõi của ASEAN đến với thanh niên và người dân (Trịnh Lý, 2021).
* *
*
Có thể khẳng định, Chỉ số Phát triển Thanh niên ASEAN là một công cụ để giám sát và cải thiện chính sách, làm cho chính sách được xây dựng dựa trên bằng chứng và phù hợp hơn với các nhu cầu cũng như những vấn đề gặp phải trong phát triển thanh niên khu vực ASEAN. Việc Chỉ số phát triển thanh niên ASEAN được hoàn thành với 5 nội dung chính gồm: Giáo dục, Sức khỏe và phúc lợi, Việc làm và cơ hội, Sự tham gia của thanh niên và Nhận thức, Giá trị và Bản sắc ASEAN đã thể hiện đầy đủ sự nhất quán, đoàn kết của các cơ quan phụ trách thanh niên ở các quốc gia thành viên ASEAN trong việc phối hợp về chính sách thanh niên, thể hiện sự quyết tâm phát triển thanh niên ASEAN, cam kết xây dựng cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn.
Tài liệu tham khảo
- UNFPA, ASEAN (2016), First ASEAN Youth Development Index
- The Commonwealth (2016) Youth Development Index; Methodology Report. The Commonwealth,
- Trịnh Lý (2021), Ra mắt Chỉ số Phát triển Thanh niên giai đoạn II, Trang Thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/hoi-nhap-quoc-te/ra-mat-chi-so-phat-trien-thanh-nien-asean-giai-doan-ii