Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh cho sự phát triển của xã hội. Muốn văn hóa trở thành nguồn lực phát triển, bản thân văn hóa phải được bảo tồn và phát huy theo xu hướng của thời đại, và việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số là điều cần thiết. Đặc biệt, quá trình này là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, đòi hỏi nguồn lực tham gia không chỉ lớn mạnh mà còn phải trẻ trung, năng động, giỏi công nghệ và có hiểu biết về văn hóa truyền thống.
Thanh niên là nhóm xã hội giàu tiềm năng trong tiếp cận và ứng dụng KHCN vào mọi mặt của đời sống xã hội. Với vị trí là thế hệ tiếp bước, thanh niên có trọng trách giữ vững những giá trị văn hoá mang tính bản sắc của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh của sự phát triển.
Là tổ chức chính trị – xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có nhiệm vụ giáo dục và phát huy vai trò của thanh niên trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc phát huy vai trò của tổ chức Đoàn và sức mạnh của tuổi trẻ trong tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc là điều cần thiết và đáng được quan tâm.
Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2024 của Trung ương Đoàn, Đề tài khoa học cấp Bộ “Vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu Thanh niên là cơ quan chủ trì, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa làm Chủ nhiệm đề tài, đã tổ chức triển khai khảo sát nhằm thu thập thông tin về các vấn đề liên quan đến thực trạng vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bối cảnh chuyển đổi số trên các khía cạnh: quan điểm của Đoàn; cơ chế thực hiện của Đoàn và các hoạt động của Đoàn trong tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bối cảnh chuyển đổi số.
Đề tài thực hiện khảo sát tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh với số lượng mẫu là 350 cán bộ Đoàn và 300 thanh niên ở các nhóm đối tượng khác nhau, gồm: thanh niên sinh viên, thanh niên công chức, viên chức, thanh niên nông thôn. Thời gian thực hiện khảo sát tại các địa bàn là từ ngày 14/5 đến 9/6/2024. Bên cạnh phương pháp thu thập thông tin định lượng thông qua phiếu trưng cầu ý kiến, nghiên cứu còn thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với các nhóm đối tượng là thanh niên và cán bộ Đoàn nhằm thu thập thông tin định tính để có những phát hiện sâu hơn về vấn đề nghiên cứu.
Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, tại cả 4 địa bàn khảo sát, thanh niên và cán bộ Đoàn đều đánh giá cao những kết quả đạt được của Đoàn trong tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bối cảnh chuyển đổi số trên các mặt: (i) ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; (ii) các hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của thanh niên về văn hóa truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số; (iii) các hoạt động tạo môi trường cho thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bối cảnh chuyển đổi số; (iv) các hoạt động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số; (v) các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên về thông tin, kiến thức, kĩ năng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Cùng với đó, thanh niên và cán bộ Đoàn được khảo sát cũng khẳng định những hiệu quả đạt được của việc Đoàn tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đối với thanh niên (thành viên của tổ chức), đối với xã hội và đối với sự phát triển của chính tổ chức Đoàn.
Đáng chú ý, các nhóm đối tượng được khảo sát cũng đề cập đến những hạn chế, bất cập và những khó khăn, thách thức đối với tổ chức Đoàn trong tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bối cảnh chuyển đổi số hiện nay như: nhận thức của một bộ phận thanh niên về văn hóa truyền thống chưa thật sự đầy đủ, đúng đắn; một bộ phận thanh niên chưa thấy hết được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; năng lực số của một bộ phận thanh niên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, tác động tiêu cực vào nhận thức và lối sống của thanh niên; các dữ liệu văn hóa số, di sản số trên môi trường mạng phải đối mặt với các phương thức tấn công ngày càng tinh vi, phức tạp; sự “xâm lăng văn hóa” diễn ra ngày càng khốc liệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện, máy móc, trang thiết bị công nghệ, đặc biệt là công nghệ hiện đại để ứng dụng trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của Đoàn còn hạn chế.
Có thể nói, các thông tin thu thập được từ các địa bàn khảo sát có giá trị lớn về mặt thực tiễn, đặc biệt là các ý kiến đề xuất của thanh niên và cán bộ Đoàn về một số giải pháp để Đoàn tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống bối cảnh chuyển đổi số có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tin bài/Ảnh: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa