Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong ba trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đây cũng là chính sách thể hiện tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đang xây dựng.
Trong những năm trở lại đây, công tác BHXH đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị- xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Diện mạo bao phủ BHXH còn thấp; quản lý nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế còn có thiếu sót; tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế còn nhiều…
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với tư cách là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam, hoạt động nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH đến thanh niên được xác định là một trong những nhiệm vụ cần thiết của tổ chức Đoàn từ Trung ương đến cơ sở.
Trong thời gian vừa qua, Trung ương Đoàn và nhiều tỉnh/thành Đoàn đã ký kết, triển khai nhiều chương trình, đề án phối hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên. Đồng thời nội dung tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội cũng được đưa vào chương trình phối hợp hằng năm giữa Đoàn thanh niên với ngành Bảo hiểm xã hội. Gần đây nhất là Quy chế 101-QCPH/TWĐTN-BHXHVN, ngày 13 tháng 01 năm 2013, phối hợp giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2023- 2027, nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tham gia, đặc biệt là đoàn viên thanh niên.
Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2024 của Trung ương Đoàn, nhiệm vụ “Điều tra ý kiến của thanh niên về việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội hiện nay” do Viện Nghiên cứu thanh niên là cơ quan chủ trì; ThS Vũ Thành Phương làm chủ nhiệm nhiệm vụ đã tổ chức triển khai khảo sát nhằm thu thập thông tin về các vấn đề liên quan đến ý kiến của thanh niên, doanh nghiệp, cán bộ đoàn, cán bộ phụ trách bảo hiểm đối với thực hiện chính sách BHXH hiện nay.
Cuộc điều tra thực hiện khảo sát tại 04 tỉnh/thành phố: Lai Châu, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương, với mẫu là 800 thanh niên ở các nhóm đối tượng khác nhau, gồm: thanh niên công chức, viên chức; thanh niên công nhân; lao động tự do, làm thuê theo thời vụ; kinh doanh, dịch vụ và thanh niên nông dân. Thời gian khảo sát từ 01/6 đến 20/6/2024 với các đoàn công tác khác nhau. Bên cạnh phương pháp thu thập thông tin định lượng thông qua phiếu trưng cầu ý kiến; cuộc điều tra còn thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với các đối tượng là cán bộ phụ trách công tác bảo hiểm tại các công ty/doanh nghiệp, cơ quan; cán bộ Đoàn, công đoàn,… nhằm thu thập thông tin định tính để có thêm những phát hiện sâu hơn về vấn đề nghiên cứu.
Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, cả 04 địa bàn khảo sát, thanh niên và cán bộ Đoàn, cán bộ phụ trách công tác BHXH tại các công ty, cơ quan, đơn vị đều đánh giá cao việc triển khai chính sách BHXH hiện nay (bao gồm cả BHXH bắt buộc và tự nguyện) đến đông đảo người lao động, trong đó có lực lượng lao động trẻ trong độ tuổi thanh niên. Kênh thông tin để người lao động biết đến các loại hình Bảo hiểm hiện nay cũng rất đa dạng, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Một số thanh niên đang tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng bày tỏ sự khó khăn như: việc đóng và duy trì đóng bảo hiểm do người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức thu nhập không ổn định; việc chờ đủ 20 năm đóng mới được hưởng các chế độ (tử tuất, hưu trí,…); hay việc gián đoạn thời gian đóng BHXH bắt buộc ở nữ giới do chịu ảnh hưởng của việc mang thai, chăm sóc con cái, người thân,…
Một số nhóm thanh niên được khảo sát cũng bày tỏ những vấn đề liên quan đến thực trạng cầm cố, rút bảo hiểm một lần trong thời gian vừa qua. Những lý do thanh niên đề cập đến vấn đề này như: người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, công việc không ổn định nên khó đóng bảo hiểm kéo dài; một số khác cho rằng cần vốn để làm ăn, buôn bán;… Nhìn chung thì đa số thanh niên được khảo sát đều cho rằng, việc cầm cố BHXH có thể mang đến nguy cơ bị buộc phải ký giấy tờ ủy quyền để bên cầm cố có thể rút BHXH một lần trong trường hợp người lao động mất khả năng chi trả lãi suất, từ đó dẫn đến nguy cơ mất sổ BHXH hoặc phải chịu lãi suất cao từ bên cầm cố sổ BHXH.
Có thể nói, các thông tin thu thập được từ các địa bàn khảo sát trên có giá trị lớn về mặt thực tiễn, đặc biệt là các ý kiến đề xuất của thanh niên – đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách BHXH hiện nay; cũng như những khuyến nghị để tổ chức Đoàn phát huy tốt vai trò đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm trong thời gian tới.
Tin bài/Ảnh: Vũ Thành Phương