ThS. Nguyễn Văn Quý*
Bí thư Chi đoàn Viện Nghiên cứu Thanh niên
VNCTN- Thanh niên là lực lượng lao động lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh toàn cấu hóa và hồi nhập quốc tế, xu hướng của các cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, các hình thức giáo dục và đào tạo đang được xây dựng theo chiều hướng ngày càng cải tiến, thanh niên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều cách thức phong phú, đa dạng. Trong đó, thực hiện nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để thanh niên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Quán triệt sâu sắc và toàn diện tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XII của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thời gian qua Đoàn Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã khẳng định rõ nét vai trò của mình trong triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học. Qua đó, góp phần giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên phát triển toàn diện, góp phần xây dựng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ngày càng phát triển.
1. Vai trò của nghiên cứu khoa học trong hoạt động của Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
Nghiên cứu khoa học là một quá trình tìm hiểu, quan sát và thí nghiệm, dựa vào các dữ liệu, tài liệu đã được thu thập. Từ đó thu thập thêm được các kiến thức mới, phát hiện và tìm ra những ứng dụng kỹ thuật, mô hình mới với ý nghĩa thực tiễn, nhằm nâng cao về trình độ văn minh và nâng cao năng suất đối với tất cả những lĩnh vực hoạt động. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng trong các chương trình đồng hành với thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Đoàn Thanh niên Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam luôn xác định nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn và đoàn thể, từ đó quán triệt đến đoàn viên, thanh niên thuộc các khối khác nhau trong Học viện.
* Đối với đoàn viên, thanh niên là sinh viên
(1) Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên bổ sung những kiến thức không được học trong chương trình chính khóa, lấp đầy những kiến thức về kinh tế, đời sống xã hội để làm giàu vốn sống cho bản thân. Trong quá đi khảo sát hay thực tế, sinh viên sẽ phải vận dụng những kỹ năng ít khi dùng đến, qua đó bạn hiểu sâu hơn hơn về những điều còn bỏ ngỏ ở giảng đường hay những bài học trong sách.
(2) Giúp sinh viên đào sâu hơn những kiến thức được học. Nghiên cứu khoa học sẽ phát huy khả năng phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới để giải quyết những vấn đề đang quan tâm, thắc mắc… từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như vốn sống chúng ta.
(3) Trau dồi cho sinh viên những bài học bổ ích và kỹ năng rút ra từ công việc nghiên cứu. Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, ăn ý, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên trong đội. Bên cạnh đó, công việc nghiên cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối… nhưng từ những bài học đó giúp sinh viên rút ra những kinh nghiệm quý giá mà chính bản thân tự chiêm nghiệm, và thay đổi.
(4) Chính là những kinh nghiệm viết báo cáo, chuyên đề tốt nghiệp sau này hay làm khóa luận tốt nghiệp. Những kinh nghiệm này thực sự bổ ích cho sinh viên năm cuối và khi rời ghế nhà trường đi làm. Cao hơn là những luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ…
* Đối với đoàn viên, thanh niên là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, phóng viên, biên tập viên
Đối với 01 trường Đại học, công tác giảng dạy luôn được coi trọng và là điều kiện cần, tuy nhiên công tác NCKH là điều kiện đủ và hai công việc này bổ trợ lẫn nhau. Có thể tóm lược một số vai trò và lợi ích của hoạt động NCKH đối với đoàn viên, thanh niên cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, phóng viên, biên tập viên như sau:
(1) Nâng cao năng lực và kinh nghiệm NCKH
(2) Củng cố và mở rộng kiến thức; mở rộng mối quan hệ và các mạng lưới nghiên cứu và gắn kết với thực tiễn xã hội và thực tiễn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần tăng cường hợp tác về KHCN;
(3) Tự cập nhật thông tin, tri thức và tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công việc;
(4) Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, giữa lý luận và thực tiễn;
(5) Rèn luyện các kỹ năng mềm như: kỹ năng tư duy logic khoa học, kỹ năng phân tích, tổng hợp, phán đoán và kết luận một vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, phản biện…
(6) Giúp cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, phóng viên, biên tập viên trẻ tự khẳng định mình, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, phóng viên, biên tập viên trẻ;
(7) Góp phần vào thành tích NCKH của Học viện thông qua số lượng các bài báo công bố quốc tế và trong nước được đăng gắn với tên tác giả và Học viện, số lượng công trình NCKH các cấp và số bài viết tham gia hội thảo các cấp được đánh giá cao gắn với tên tác giả và tên Học viện, số lượng đầu sách xuất bản của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên Học viện.
2. Thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay
* Đối với đoàn viên, thanh niên là sinh viên:
Trong nhiệm kỳ 2022 – 2024, Đoàn Thanh niên Học viện đã tổ chức thường xuyên các hoạt động nhằm tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi trong nghiên cứu khoa học của sinh viên như:
– Duy trì và tổ chức hoạt động câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong sinh viên Học viện. Phát động phong trào sinh viên NCKH hàng năm, phối hợp tổ chức nghiệm thu và đánh giá các đề tài cấp khoa, Học viện và chọn các đề tài xuất sắc nhất gửi đi dự thi cấp cao hơn. Cụ thể, trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2022 – 2023 và 2023 – 2024, có 40 lượt lượt đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên được nghiệm thu, trong đó, tiêu biểu trong năm 2023, có 4 đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc được chọn tham gia xét giải thưởng NCKH cấp Bộ và đạt 01 Giải Nhì, 02 Giải Ba, 01 Giải Khuyến khích.
– Khuyến khích sinh viên đăng ký với thầy cô tham gia các đề tài, dự án mà thầy cô đang chủ trì; qua đó sinh viên sẽ được giảng viên hướng dẫn về mặt chuyên môn. Bên cạnh đó, tranh thủ sự giúp đỡ của giảng viên và nghiên cứu viên – là những người có kiến thức sâu rộng về mảng đề tài mà sinh viên yêu thích để được định hướng rõ hơn về đề tài của mình.
– Tổ chức cho sinh viên tham dự các buổi Hội thảo khoa học của Trung ương Đoàn, Học viện để sinh viên tích lũy thêm kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.
* Đối với đoàn viên, thanh niên là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, phóng viên, biên tập viên
– Đoàn Học viện đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt khoa học giữa các Chi đoàn trực thuộc với nhiều chủ để nghiên cứu khác nhau về lĩnh vực thanh niên và công tác thanh niên, trong đó nổi bật là sinh hoạt khoa học “Vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu về Thanh thiếu nhi” giữa Chi đoàn Khối Đào tạo và Chi đoàn Viện Nghiên cứu Thanh niên. Thông qua đó, đoàn viên, thanh niên có cơ hội trau đồi, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công việc.
– Các đồng chí đoàn viên khối cán bộ văn phòng tích cực nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật và kinh nghiệm của các Đại học, Học viện, chủ động tham mưu với lãnh đạo Học viện đổi mới công tác quản lý, ban hành và thực hiện nhiều quy định, quy chế và các chế độ chính sách theo hướng dẫn Học viện, Trung ương Đoàn, quy định của Nhà nước.
– Các đồng chí đoàn viên khối giảng viên đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên với các giảng viên có thâm niên nghiên cứu khoa học hoặc có đề tài nghiên cứu, hoặc chính bản thân các đồng chí giảng viên trẻ trong hoạt động nghiên cứu khoa học của mình có thể hợp tác hoặc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
– Các đồng chí đoàn viên là nghiên cứu viên trẻ của Chi đoàn Viện Nghiên cứu Thanh niên thường xuyên được khuyến khích chủ trì, tham gia các đề tài cấp Bộ, đề tài cấp cơ sở, điều tra dư luận xã hội và chủ động xã hội hóa thông tin kết quả nghiên cứu. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2022 – 2023 và 2023 – 2024, đoàn viên Chi đoàn Viện đã chủ nhiệm 04 đề tài cấp Bộ, 06 đề tài cấp Viện và 03 nhiệm vụ điều tra cấp Viện, đồng thời là thành viên chính tham gia nhiều đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở và điều tra khác. Bên cạnh đó, đoàn viên Chi đoàn Viện đã chủ trì tổ chức 04 Hội thảo khoa học có liên quan đến việc xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của nhiệm vụ Đề tài cấp Bộ, 02 buổi sinh hoạt khoa học cấp Viện, xuất bản 01 ấn phẩm khoa học. Đồng thời khuyến khích tham gia công tác giảng dạy các môn học có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học.
– Các đồng chí đoàn viên là phóng viên, biên tập viên trẻ của Tạp chí Thanh niên thường xuyên được khuyến khích viết bài, đăng tải và hỗ trợ cán bộ của Học viện duyệt đăng bài viết về các chủ đề liên quan đến tình hình thanh niên, công tác thanh niên và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Tạp chí điện tử Thanh niên Việt, ấn phẩm Tạp chí Thanh niên và Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Thanh niên.
3. Đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian tới
Trong giai đoạn 2024 – 2027, trước những đòi hỏi, yêu cầu phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tôi xin đề xuất một số xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học như sau:
* Đối với đoàn viên, thanh niên là sinh viên:
– Tổ chức tuyên truyền rộng rãi các phong trào nghiên cứu khoa học, hoạt động học thuật, CLB, đề tài nghiên cứu khoa học và cuộc thi tới sinh viên, trong đó nhấn mạnh về số lượng, nội dung và giảng viên hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên.
– Cập nhật thường xuyên thông tin về nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên lên các kênh chính thống của Học viện trên internet và mạng xã hội.
– Phát hiện, bồi dưỡng và động viên những sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện tốt và đặc biệt là có niềm say mê nghiên cứu khoa học, định hướng các em đi vào các lĩnh vực chuyên môn bằng cách thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu.
– Trong mỗi đợt thi đua nghiên cứu khoa học của Học viện, các Liên chi đoàn cũng cần đặt chỉ tiêu cho đoàn viên của mình tham gia với cơ cấu hợp lý.
– Kịp thời có những hình thức khen thưởng, động viên xứng đáng đối với sinh viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học thông qua các hoạt động xã hội hóa.
* Đối với đoàn viên, thanh niên là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, phóng viên, biên tập viên
– Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về mặt thời gian để đoàn viên, thanh niên là giảng viên, nghiên cứu viên, phóng viên, biên tập viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Khuyến khích các đồng chí nghiên cứu viên trẻ tham gia giảng dạy tại Học viện và các đồng chí giảng viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học.
– Xây dựng kế hoạch cụ thể về việc tham gia nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên trẻ, trong đó cần lượng hóa về số lượng các đề tài tham gia để có kế hoạch thực hiện triệt để. Bản thân giảng viên trẻ cũng cần chủ động tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia hướng dẫn nghiên cứu khoa học, đồng thời phát huy vai trò giảng viên giảng dạy trên lớp để lôi kéo động viên sinh viên tham gia.
– Tăng cường tổ chức các buổi tập huấn/sinh hoạt khoa học nhằm bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học và xã hội hóa thông tin cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, biên tập viên, phóng viên trẻ. Khuyến khích sự tham gia của đoàn viên, thanh niên vào các hội nghị, hội thảo được tổ chức bởi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Viện nghiên cứu Thanh niên và Tạp chí Thanh niên.
– Thành lập các nhóm nghiên cứu giữa đoàn viên, thanh niên cơ quan Trung ương Đoàn với đoàn viên, thanh niên Khối Đào tạo của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân Hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu Thanh niên và Tạp chí Thanh niên. Có thể khẳng định, nhóm nghiên cứu là môi trường khoa học thuận lợi nhất cho việc trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng nhau tiếp cận, giải quyết các vấn đề nghiên cứu. Cũng thông qua mô hình nhóm nghiên cứu, có thể thu hút các cá nhân của nhiều ngành khác nhau cùng tập trung trí tuệ, sức lực để đưa ra các ý tưởng, các giải pháp hướng đến giải quyết các vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện và có hiệu quả.
– Kịp thời có những hình thức khen thưởng, động viên những giảng viên, nghiên cứu viên trẻ có đóng góp tích cực đối với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
*
* *
Nghiên cứu khoa học không chỉ cung cấp cho thanh niên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn tạo cho thanh niên một tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho thanh niên cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía. Do đó, Đoàn Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cần phát huy rõ nét vai trò của mình trong triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học./.
* Bài viết được trình bày tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2027, ngày 29/6/2024