Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, chiều ngày 13/12/2024, tại Phòng họp Tầng 2, nhà A; Viện Nghiên cứu Thanh niên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh niên tình nguyện trong tình hình mới”.
Đến dự buổi Hội thảo có các đại biểu, khách mời:
* Đại biểu các cơ quan Trung ương:
– Đ/c Nguyễn Hồng Kiên, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
– Đ/c Nguyễn Thị Lịch, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam;
* Đại biểu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam:
– TS. Nguyễn Diệu Linh, Khoa Công tác Thanh thiếu nhi;
– ThS. Bùi Phương Thảo, Khoa Công tác xã hội;
– Cùng đại diện các đồng chí trong BTV, BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam).
* Về phía Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Thanh niên có sự tham gia của:
– TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng;
– TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng.
Cùng toàn thể các đồng chí là cán bộ, nghiên cứu viên các Phòng, Trung tâm thuộc Viện Nghiên cứu Thanh niên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên nhấn mạnh:
Năm 2004 Đảng và Nhà nước đã đồng ý chọn tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên. Từ đó, vào dịp này mỗi năm, các cấp bộ Đoàn lại đồng loạt triển khai Tháng Thanh niên trên phạm vi cả nước như một điểm nhấn, nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 20 năm qua xã hội đã quá quen với hình ảnh màu áo xanh tình nguyện của lớp lớp thanh niên, với những đóng góp của thanh niên vào sự phát triển chung của đất nước. Năm 2024 với chủ đề là “Năm Thanh niên tình nguyện” rất cần sự nhìn nhận, đánh giá cả những mặt mạnh và cả những khiếm khuyết trong công tác tổ chức, triển khai phong trào; qua đó có những giải pháp, đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức và triển khai tốt hơn các phong trào tình nguyện trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về lý luận, thực tiễn; việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tình nguyện. Trên cơ sở đó, các đại biểu của thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong các hoạt động thanh niên tình nguyện thời gian qua; từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tình nguyện thời gian tới.
Mở đầu buổi Hội thảo, ThS. Đặng Văn Nhân – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Thanh niên (Viện Nghiên cứu Thanh niên), trình bày tham luận về việc “Tếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên tình nguyện trong tình mới”. Trong bài tham luận của mình, đồng chí chỉ rõ những căn cứ pháp lý, những chính sách hiện hành liên quan đến thanh niên tình nguyện hiện nay như: Luật Thanh niên năm 2020, Nghị định 17/2021/NĐ-CP “quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”,… Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn tiếp tục tham mưu với Đảng, Chính phủ và Quốc hội ban hành và hoàn thiện những chính sách phù hợp để thanh niên tiếp tục đóng góp, cống hiến sức trẻ vào sự phát triển chung của đất nước trong “Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Đồng tình với ý kiến phát biểu của ThS. Đặng Văn Nhân về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến Thanh niên tình nguyện; đồng chí Nguyễn Hồng Kiên (Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội) và đồng chí Nguyễn Thị Lịch (Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam) cũng bổ sung những căn cứ pháp lý liên quan đến hoạt động tình nguyện như Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam của Bộ Nội vụ hay các văn bản: Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 phê duyệt Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo (Dự án 600); Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500); Quyết định số 57/2015/QĐ TTg ngày 16/11/2015 về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.

Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong triển khai các chính sách nêu trên. Đồng thời, mong muốn Ban Bí thư Trung ương Đoàn cần có những Hội thảo khoa học đánh giá, tổng kết chỉ ra những mô hình hiệu quả, cách làm hay để nhân rộng trong cả nước. Quá đó, góp phần đưa các hoạt động và phong trào tình nguyện ngày càng thực chất, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng và xã hội.

Hội thảo cũng được nghe các tham luận của các đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu Thanh niên, Khoa Công tác Thanh niên, Khoa Công tác xã hội và các bạn thanh niên trong BCH, BTV Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam về các vấn đề lý luận và thực tiễn của thanh niên khi tham gia các hoạt động tình nguyện, nhất là các hoạt động tình nguyện trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.







Kết thúc Hội thảo, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, đồng chủ trì buổi Hội thảo đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, tham luận của các đại biểu. Đây là những ý kiến tâm huyết, có giá trị lý luận, thực tiễn cao, được đúc rút không chỉ ở các công trình nghiên cứu khoa học mà còn từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú của các đại biểu. Những ý kiến phát biểu, tham luận cùng những đề xuất giải pháp của các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến Ban Bí thư Trung ương Đoàn để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hoạt động thanh niên tình nguyện trong bối cảnh và tình hình hiện nay.
Tin, bài: Vũ Thành Phương
Ảnh: Đỗ Minh Hoàng, Nguyễn Văn Quý